Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

          1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên.

Mông Ân là xã vùng I của huyện Bình Gia, cách Trung tâm huyện 12km về phía Tây Bắc của huyện miền núi Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 87 km; Phía Đông giáp xã Hoàng Văn Thụ; Phía Tây giáp xã Hoà Bình; Phía Bắc giáp xã Thiện Thuật; Phía Nam giáp xã Long Đống, huyện Bắc Sơn.

Là xã có địa hình đồi núi là chủ yếu, chiếm trên 90%, có độ dốc lớn và chia cắt bởi suối và các khe dọc, do đó tạo cho xã nhiều tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, kinh tế vườn đồi.

Khí hậu trung bình trong năm từ 20 - 35*C, mùa đông rét đậm nhiệt độ xuống đến dưới 10*C. Mùa mưa được chia thành 2 mùa rõ rệt: Từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau mưa ít; từ tháng 4 đến tháng 9 năm sau là mùa mưa. Độ ẩm trung bình là 80%, do đặc điểm địa hình lòng máng nên Mông Ân ít chịu ảnh hưởng của gió bão. Nằm trong vùng khí hậu á nhiệt đới, nhiệt đới, xã Mông Ân có điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi đại gia súc, lúa, ngô...

Xã có 5 thôn với tổng diện tích tự nhiên là 3.448,97ha chiếm 3,16% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện; Đất đai chủ yếu là đất rừng, đất trồng cây hàng năm và đồi núi cao; Diện tích đất canh tác, đất ở và đất có khả năng sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong đó đất lâm nghiệp 2.428,71ha, đất sản xuất nông nghiệp 226,74ha, tổng đất chuyên sử dụng là 2.655,45ha;

Một đặc điểm nổi bật của xã là tài nguyên rừng. Theo số liệu năm 2011 diện tích rừng của xã là 2709,8 ha; trong đó đất có rừng tự nhiên sản xuất 301ha, đất trồng rừng sản xuất 118,4 ha. Diện tích rừng đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì cảnh quan, giữ nước đầu nguồn, hạn chế sói mòn, lũ lụt. Tuy nhiên, hiện nay nạn phá rừng đốt nương rẫy còn tồn tại. Nhận biết được tầm quan trọng của rừng trong việc giữ gìn môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội, nhân dân trong xã đã tiến hành trồng rừng thông qua chương trình trồng cây trên địa bàn huyện, hoặc các hộ dân tự đầu tư phát triển kinh tế vườn rừng.

Tài nguyên nước của xã chiếm vị trí quan trọng, cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Nguồn nước mặt dồi dào về mùa mưa và cạn kiệt về mùa khô. Khả năng khai thác sử dụng vào sản xuất và đời sống hạn chế do phần lớn mặt nước các khe, suối đều thấp hơn so với mặt bằng canh tác và khu dân cư. Chất lượng nguồn nước tương đối trong sạch. Song, hiện nay đa số các con suối trở thành nơi dẫn tụ chất thải sinh hoạt từ khu dân cư, chất lượng nước bị giảm đi đáng kể ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt sau những đợt mưa lũ.

Trên địa bàn xã có con đập Rá Cướm là nguồn cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cây trồng cho nhân dân khu vực trung tâm xã, đặc biệt, đây còn là nơi khởi nguồn dòng nước vô tận xuống Thác Đăng Mò - hiện nay đang được xây dựng thành một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn.

Cùng với các nguồn tài nguyên phong phú trên, Mông Ân còn có tiềm năng về khai thác đá, đây là điều kiện để phát triển ngành công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng cao của xã.

Gồm 435 hộ, với 1.949 nhân khẩu, có 3 dân tộc sinh sống (Tày, Nùng, Dao), trong đó dân tộc tày chiếm hơn 90%. đời sống của nhân dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Thu nhập chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và các hộ công chức sống bằng tiền lương. Thu nhập bình quân đầu người 36,4 triệu đồng/ năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 7,1%, hộ cận nghèo chiếm 42,4%.

         2. Tình hình kinh tế - xã hội.

          Trên địa bàn xã hiện nay có 05 thôn: Viên Minh, Đồng Hương, Nà Cướm, Cốc Mặn, Nà Vường. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, thông qua các nguồn lực, các chương trình, dự án nên khu vực nông thôn xã đã có những chuyển biến tích cực.

          Sản xuất nông lâm nghiệp phát triển tương đối mạnh, năng suất, sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng nhanh qua từng năm; sản xuất hàng hóa bước đầu đã hình thành mang lại thu nhập chủ yếu cho người dân; sản xuất tăng vụ phát triển, chăn nuôi có bước phát triển khá; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực.

         

          Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư mạnh mẽ nhất là giao thông, các cơ sở trường lớp học, trạm y tế, thủy lợi, điện, hạ tầng thông tin... làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trung tâm hành chính xã được đặt tại thôn Nà Vường, gồm: UBND xã, Trường Mầm non, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở, Nhà Văn hóa xã, Trạm Y tế xã.

            Lĩnh vực văn hóa - xã hội được tiếp tục quan tâm phát triển. Tỷ lệ học sinh đến trường, chất lượng giáo dục đào tạo nâng lên, số lao động trong nông thôn được đào tạo qua hàng năm tăng. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo tồn và phát huy, các tập tục lạc hậu đang được cải tạo tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao.

          Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển. Hệ thống chính trị được quan tâm, trình độ cán bộ ngày càng được nâng lên, các cấp ủy Đảng và chính quyền cấp xã ngày càng chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức đoàn thể chính trị cấp xã được nâng lên tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng đổi mới.

          An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định và giữ vững, tình hình bất ổn ở cơ sở được kiềm chế, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nà nước ngày càng được củng cố.

         Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiện - xã hội trên đã và đang tạo cho Mông Ân những thuận lợi cơ bản trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu với các vùng miền trên cả nước, nhất là trong hoàn cảnh cả nước tăng cường đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

         3. Danh lam thắng cảnh

          Thác Đăng Mò: ở vị trí km11 đường quốc lộ 279 từ huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn đi huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 90km. thác Đăng Mò là điểm dã ngoại không thể bỏ qua ở Lạng Sơn. Thác Đăng Mò quanh năm đổ tràn qua những triền đá giữa núi rừng hoang sơ, mang vẻ đẹp vô cùng nên thơ và huyền bí.

        Thác Đăng Mò có nước quanh năm, nhưng mùa mưa, lượng nước về sẽ nhiều hơn và hùng vĩ hơn. Nếu không phải vào lức mưa lớn hay có lũ, dòng thác rất hiền hòa, với độ dốc, độ sâu vừa phải. Những "bồn tắm thiên nhiên" trong xanh, lý tưởng cho du khác đắm mình vào trong làn nước mát, và tận hưởng thiên nhiên trong lành, khoáng đạt, hoang sơ. Với vẻ đẹp thơ mộng và những lợi thế riêng, thác Đăng Mò trở thành điểm dã ngoại hấp dẫn, không chỉ với người địa phương quanh khu vực mà còn với du khách, nhất là vào những ngày hè oi bức hay dịp cuối tuần.

          4. Lễ hội, Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Mông Ân

          Hiện nay Du lịch văn hóa- Du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc Tày xã Mông Ân là sản phẩm du lịch quan trọng, còn giữ gìn nhiều giá trị cốt lõi của cộng đồng dân tộc Tày... với những nếp nhà sàn còn giữ được nguyên giá trị, những cảnh làng quê miền núi sơn cước, có câu lạc bộ Hát then - đàn tính là sản phẩm du lịch được ưa thích.

          Xã đã phục dựng lại lễ hội Cầu mùa ngày mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội Cầu mùa xã Mông Ân được chọn là lễ hội điểm của huyện Bình Gia. Đây là một hoạt động truyền thống gắn liền với nền nông nghiệp của các đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Mông Ân nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Bình Gia nói chung.

          Tại lễ hội, nhân dân và du khách được thưởng thức những màn múa lân, sư, rồng điêu luyện, màn múa sư tử mèo vô cùng đặc sắc, thú vị. Ngoài ra, du khách còn được tham quan 9 gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương và 8 gian hàng ẩm thực của 14 xã bạn trên địa bàn huyện và địa phương lân cận.

          Đặc biệt, du khách gần xa còn được xem trò diễn sĩ – nông – công – thương, đây là trò diễn đặc sắc, đặc trưng của địa phương đã được phục dựng hoàn thiện trong lễ hội Cầu mùa năm 2019. Ngoài ra, nhiều trò chơi truyền thống như : kéo co, ném còn, đánh sảng, đánh yến… được tổ chức trong lễ hội thu hút đông đảo bà con nhân dân trong và khách du lịch tham gia.

          Lễ hội Cầu mùa xã Mông Ân, huyện Bình Gia góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa đặc sắc gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, tạo sức lan tỏa, gắn tình đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân hăng say lao động, sản xuất, xây dựng quê hương phát triển, giàu mạnh.

About